Ông Joe Biden và Tổng thống Mỹ Donald Trump có chính sách khác nhau về chiến sự Ukraine.
CNN hôm 25/6 thông tin, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đang hướng tới việc cho phép các nhà thầu quân sự Mỹ bảo trì và sửa chữa hệ thống vũ khí ở Ukraine.
Hiện việc thay đổi chính sách vẫn đang được các quan chức Mỹ xem xét và vẫn chưa nhận được sự chấp thuận cuối cùng từ Tổng thống.
Dẫu vậy, chính quyền của ông Biden cho rằng, việc cho phép các nhà thầu triển khai đến khu vực xung đột được coi là một trong những cách khả thi để “giúp quân đội Ukraine chiếm thế thượng phong trước Nga” .
Một trong những nguồn tin nói với CNN rằng Tổng thống Biden vẫn kiên quyết từ chối gửi lực lượng quân sự Mỹ tới Ukraine.
Tuy nhiên, ông đã nhiều lần chấp thuận việc tăng cường sự can dự của Mỹ vào cuộc xung đột, bao gồm việc cung cấp xe tăng Mỹ và tên lửa tầm xa cho Kiev, mặc dù trước đó đã tuyên bố rằng ông sẽ không thực hiện các bước như vậy.
RT bình luận, việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với các nhà thầu Mỹ hoạt động bên trong Ukraine có thể là một bước tiến tới đối đầu trực tiếp với Nga.
Nếu được phê duyệt, thay đổi chính sách mới nhất được cho là sẽ được thực hiện vào cuối năm nay, cho phép Lầu Năm Góc ký hợp đồng thanh toán cho hàng chục công ty Mỹ có khả năng triển khai tới Ukraine. Việc triển khai như vậy có thể đẩy nhanh quá trình sửa chữa các hệ thống vũ khí của Mỹ được lực lượng chính quyền Kiev sử dụng.
CNN cho biết, kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, Tổng thống Biden đã tìm cách giữ người Mỹ tránh xa tiền tuyến. "Nhà Trắng đã quyết tâm hạn chế cả mối nguy hiểm đối với người Mỹ và nhận thức, đặc biệt là của Nga, rằng quân đội Mỹ đang tham gia chiến đấu ở đó”, CNN bình luận. Do đó, phần lớn vũ khí của Mỹ bị hư hỏng trong chiến đấu đã được chuyển đến các nước khác, bao gồm Ba Lan và Romania, để sửa chữa.
Theo báo cáo của CNN, quân đội Mỹ cũng đã sử dụng các cuộc trò chuyện video để hướng dẫn các đối tác Ukraine về công việc bảo trì định kỳ các vũ khí được viện trợ.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump lại có hướng giải quyết xung đột Ukraine hoàn toàn khác.
Một trợ lý của ông Donald Trump nói với Reuters rằng, hai cố vấn chủ chốt đã vạch ra kế hoạch hòa bình cho Ukraine và được ông Trump ủng hộ.
Theo miêu tả của Trung tướng nghỉ hưu Keith Kellogg nói rằng ông và đồng nghiệp Fred Fleitz đang là cố vấn cho ông Donald Trump, ý tưởng của hai vị đã được ông Trump phản hồi một cách tích cực.
Theo Tướng Kellogg: “Chúng tôi sẽ nói với người Ukraine: 'Các bạn phải đến bàn đàm phán, nếu không, sự hỗ trợ từ Mỹ sẽ chấm hết'. Mỹ cũng sẽ nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng 'Ông phải đến bàn đàm phán, nếu không thì chúng tôi sẽ cung cấp cho người Ukraine mọi thứ họ cần để giết ông trên chiến trường'."
Kế hoạch này dự kiến sẽ có một lệnh ngừng bắn ban đầu dựa trên các chiến tuyến trong các cuộc đàm phán hòa bình, mà không cần Kiev phải chính thức nhượng lại bất kỳ vùng lãnh thổ tranh chấp nào cho Moscow, theo Reuters.
Tuy nhiên, người phát ngôn của ông Trump, Steven Cheung, nói rằng chỉ những tuyên bố của cựu tổng thống hoặc các thành viên được ủy quyền trong chiến dịch tranh cử của ông mới được coi là chính thức.
Đầu tháng này, ông Putin nói rằng, Moscow sẵn sàng chấm dứt chiến sự ngay lập tức nếu Kiev rút quân khỏi 4 khu vực cũ của Ukraine đã bỏ phiếu trưng cầu dân ý để gia nhập Nga, cũng như cam kết trung lập và tiến hành "phi quân sự hóa" và "phi quốc tế hóa".